Đây là những lời khuyên tưởng đơn giản nhưng nó gói gọn bí quyết để bạn sống cuộc sống vui vẻ và khỏe mạnh
Bắt đầu từ
chính mình
Bước đầu tiên
để có một cuộc sống hạnh phúc, khỏe mạnh là tập trung vào lòng từ bi. Nhân
loại sẽ hạnh phúc hơn nếu hiểu thêm và chấp nhận con người mình, từ điểm tốt
tới điểm xấu. Đức Đạt Lai Lạt Ma nói: "Hạnh phúc chủ yếu phụ thuộc
vào trạng thái tinh thần của chính bạn. Nếu luôn là một người trung thực, đáng
tin về mặt cảm xúc, bạn có thể tìm thấy hạnh phúc cho dù xung quanh có xảy ra
vấn đề gì".
Ở đây, lòng
từ bi không chỉ hướng ra ngoài mà còn dành cho bản thân. Từ bi với người khác
nghĩa là nhận ra và tôn trọng nỗi đau của họ. Theo các nhà tâm lý học, hành
động này làm nảy sinh sự quan tâm, lo lắng, chăm sóc của bạn dành cho người đó.
Từ bi với
chính mình là tử tế với bản thân ngay giữa lúc rối bời hay đau đớn về mặt tinh
thần. Phó giáo sư tâm lý học giáo dục Kristin Neff tại Đại học Texas (Mỹ) giải
thích lòng từ bi này khác hẳn với tự thương hại. Thay vì day lại nỗi đau
và tự chỉ trích một cách cay nghiệt, bạn nhìn những thứ đã qua như một
phần của kinh nghiệm nhân loại đồng thời giữ mọi suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực
trong chánh niệm chứ không đồng nhất với chúng.
Tuy thường bị
bỏ quên, lòng từ bi với chính mình vô cùng quan trọng. Nó khiến lòng từ bi với
người khác trở nên dễ dàng, bền vững. Đức Đạt Lai Lạt Ma tin rằng càng ít
chỉ trích bản thân, con người càng khỏe mạnh và rất nhiều nghiên cứu đã công
nhận lời răn dạy này.
Dành thời
gian suy nghĩ
Bạn sẽ dễ
dàng xây dựng lòng từ bi với bản thân hơn nếu dành thời gian suy nghĩ về những
gì đã trải nghiệm. Đức Đạt Lai Lạt Ma mỗi ngày đều dậy từ 3h sáng và thiền 5
tiếng đồng hồ.
Tất nhiên,
bạn có lẽ không thể ngồi thiền 5 giờ nhưng chỉ 10 phút cũng vô cùng hữu ích cho
quá trình tư duy. Khoa học chỉ ra thiền tác động đến não, giúp đối phó với
stress hiệu quả và thúc đẩy sự đồng cảm. Thiền lâu hơn khoảng 20 phút sẽ cải
thiện tâm trạng, khả năng chú ý, trí nhớ.
Để cơn giận
ra đi
Đừng bao giờ
để cơn giận chiếm ưu thế trong suy nghĩ của bạn vì nó có thể dẫn đến trầm cảm,
mất ngủ, ăn vô độ, bệnh tim mạch, đột quỵ, tử vong sớm. Muốn xua tan cơn giận
và nâng cao sức khỏe, Đức Đạt Lai Lạt Ma khuyên mỗi người giữ lòng từ bi
trong tâm trí đồng thời ở gần những người từ bi khác.
Tiếp xúc với
các giáo viên Tây Tạng suốt nhiều năm qua, phó giáo sư Neff rất ấn tượng bởi dù
phải sống như người tị nạn, họ vẫn rất hạnh phúc. "Họ không chối bỏ nỗi
đau mà cởi mở, giữ lấy chúng bằng tình yêu và lòng từ bi", phó giáo sư lý
giải.
Giúp đỡ người
khác
Chìa khóa
khác dẫn đến hạnh phúc, theo lời Đức Đạt Lai Lạt Ma, là cố gắng giúp đỡ người
khác: "Nếu có thể giúp đỡ người khác, dù rơi vào hoàn cảnh nào, bạn vẫn tự
tin và giữ được hạnh phúc".
Sự giúp đỡ có
thể bằng hình thức hoạt động tình nguyện. Bạn sẽ gắn kết hơn với xã hội, bớt cô
đơn, hạn chế nguy cơ trầm cảm. Ngoài ra, bạn cũng chăm vận động hơn nhờ đó bảo
vệ huyết áp, tăng tuổi thọ.
Đơn giản hơn,
bạn hãy lắng nghe ai đó tâm sự lúc buồn bã. Không chỉ hữu ích cho đối phương,
bạn còn đỡ căng thẳng và trở nên hạnh phúc.
Sống như một
đứa trẻ
Lời dạy cuối
cùng để đạt được cuộc sống hạnh phúc, khỏe mạnh của Đức Đạt Lai Lạt Ma là sống
như một đứa trẻ. Ngài quan niệm trẻ em rất thành thật và chấp nhận người khác
không chút phán xét. "Chúng không quan tâm đến tôn giáo, quốc tịch hay
xuất thân. Bản chất con người chính là từ bi".
Dù con người
dễ bị che lấp bởi tính cạnh tranh và chủ nghĩa duy vật, Đức Đạt Lai Lạt Ma tin
rằng những cảm xúc đó đều có thể quay về nếu bạn vui tươi. Vì vậy, Ngài luôn nở
nụ cười kể cả khi bàn về các vấn đề nghiêm trọng. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra
người trưởng thành thường hình thành mối quan hệ tích cực và hài lòng hơn về
cuộc sống nếu giữ thái độ lạc quan. Hơn thế, họ còn có xu hướng khỏe mạnh và ít
lo âu.
Xem xét những
lời răn dạy trên đây sẽ đem đến cho bạn sự khác biệt. "Hãy cố gắng vì một
khi cố gắng, kết quả sẽ tới", Đức Đạt Lai Lạt Ma tóm gọn. "Bạn sẽ hài
lòng và hạnh phúc".